Để tạo ra một trang web thương mại điện tử chuyên nghiệp và chất lượng, bạn cần phải nắm vững các kiến thức chuyên môn cũng như có kỹ năng lập trình tốt. Nếu để tự làm ra một trang web thì phải tốn khá nhiều thời gian để nắn nót từng dòng code hoặc tốn chi phí để thuê dịch vụ thiết kế website bên ngoài.
Thế nhưng, việc này đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ vào việc sử dụng Shopify, bạn thậm chí còn không cần phải động vào một dòng code nào.
Vậy Shopify là gì mà thần kỳ như vậy? Cách sử dụng Shopify như thế nào? Shopify có những công dụng gì?,… Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.
Shopify là gì?
Nguồn gốc của Shopify:
Tobias Lutke, vốn là một lập trình viên bình thường, trước đó ông cũng khá chán nản và thất vọng trước những vấn đề thường xuyên gặp phải trong quá trình phát triển sản phẩm thương mại điện tử. Do đó ông đã quyết định xây dựng một nền tảng thương mại điện tử cho bản thân mình, từ đó Shopify ra đời.
Shopify được Tobias Lutke cho chính thức vào năm 2006, website kinh doanh ván trượt mang tên Snowdevil là website đầu tiên sử dụng Shopify và cũng là dự án khởi nghiệp của Tobias Lutke.
Thông tin về Shopify:
Shopify – Một nền tảng thương mại điện tử, tại đây người dùng có thể tạo trang web bán hàng online đồng thời có thể tích hợp các tính năng như đăng dịch vụ, liên kết mạng xã hội, tính năng về giỏ hàng và thanh toán,… tất các các tính năng liên quan đến một website bán hàng đều được tích hợp đầy đủ trong Shopify. Vì nền tảng được sáng lập bởi một lập trình viên xây dựng các website thương mại điện tử, nên nó có hầu hết các tính năng cần và đủ cho một website.
Tính đến thời điểm tháng 03/2019 đã có hơn 800.000 trang web E-Commerce đã phát triển trên nền tảng của Shopify. Nhờ vào ưu điểm dễ sử dụng, các thiết kế chuyên nghiệp, giao diện thân thiện, hút mắt khách hàng,… đã mang đến cho Shopify số lượng người dùng không nhỏ, đối tượng người dùng từ những lập trình viên, các nhà phát triển sản phẩm cho đến các doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới. Vào năm 2019 lượng người dùng đã cán mốc 1 triệu, đó là thành quả vô cùng ấn tượng chỉ với gần 3 năm ra mắt.
Ưu điểm và nhược điểm của Shopify
Cũng như những nền tảng khác, Shopify cũng có những ưu điểm cũng như nhược điểm riêng. Tuy có nhiều ưu điểm theo đánh giá của người dùng, nhưng không có thứ gì là hoàn hảo, Shopify cũng có những nhược điểm nhất định. Sau đây là một số ưu điểm và nhược điểm nổi bật của Shopify:
Ưu điểm của Shopify là gì?
Nhìn chung thì Shopify là một nền tảng luôn biết đổi mới để bắt kịp xu hướng và cập nhật các tính năng phù hợp với nhu cầu của đa số người dùng. Các ưu điểm nổi bật của Shopify:
- Trực quan và dễ sử dụng
- Kho giao diện đẹp mắt với hàng trăm themes đủ mọi lĩnh vực.
- Thiết kế Mobile Friendly và các yếu tố chuẩn SEO
- Tích hợp các giải pháp thương mại điện tử và bán hàng đa kênh
- Dễ dàng triển khai digital marketing
- Kho ứng dụng khổng lồ
- Tích hợp công nghệ lưu trữ đám mây (Cloud Services)
- Tích hợp công nghệ CDN
- Tích hợp chứng chỉ bảo mật SSL & PCI Compliant
- Đội ngũ hỗ trợ trực tuyến 24/7
- Khả năng nội địa hóa (Localization) cao.
Trực quan và dễ sử dụng
Có lẽ đây là ưu điểm lớn nhất thu hút người dùng sử dụng Shopify và cũng là ưu điểm được yêu thích nhất. Bởi nó dễ sử dụng đến mức người dùng không cần có kiến thức chuyên môn gì về kỹ thuật hay lập trình,vẫn có thể tạo ra một trang web cho riêng mình. Với Shopify bạn có thể tạo trang web online, đẩy dịch vụ, bán hàng và xử lý đơn hàng, ….
Giao diện admin của Shopify được thiết kế ở chế độ onboarding, điều này giúp cho phần UI/ UX được dễ nhìn và gọn gàng hơn và dễ dùng hơn. Nhìn vào giao diện bạn sẽ biết ngay được các tác vụ mình cần làm tương ứng với hạng mục nào. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ đa ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ Tiếng Việt, điều này tạo ra sự thân thiện hơn cho người dùng bởi không phải ai cũng giỏi ngoại ngữ.
Theo nghiên cứu cho thấy, tính dễ sử dụng của Shopify chiếm > 21% so với nền tảng BigCommerce và > 12% so với nền tảng Wix eCommerce.
Kho giao diện đẹp mắt với hàng trăm themes đủ mọi lĩnh vực
Với kho giao diện website đồ sộ được cung cấp miễn phí tại Shopify Theme Store, người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn một template bất kỳ trong store để xây dựng cho mình một trang web bán hàng thân thiện nhưng không kém phần chuyên nghiệp.
Để có thể sử dụng thêm nhiều themes với các lĩnh vực khác nhau, bạn có thể tham khảo thêm các template cao cấp khác nằm trong Shopify Theme Store. Những giao diện được trả phí sẽ cao cấp hơn về mặt giao diện, tính năng, hiệu suất,… trên rất nhiều các lĩnh vực như: trang sức, quần áo, điện tử, giày dép,… đồng thời có thêm nhiều lựa chọn tối ưu hơn cho người dùng.
Do Shopify được thiết kế bởi các nhà thiết kế chuyên nghiệp, các quá trình kiểm duyệt để tạo ra một template là vô cùng kỹ càng và khắt khe. Do đó về chất lượng của các theme thì bạn không cần phải lo lắng. Đối với các theme có trả phí, có một ưu điểm là bạn có thể chạy demo trang web để kiểm tra lại kỹ lưỡng trước khi đưa ra cho người dùng sử dụng.
Có cả theme miễn phí và theme trả phí
Khi đến với Shopify bạn có hai lựa chọn là dùng theme miễn phí hoặc trả phí. Tâm lý người dùng hay nghĩ rằng những theme miễn phí thường rất basic thậm chí không thể đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của trang web. Và họ thường chọn sử dụng theme trả phí vì nghĩ rằng nó sẽ đầy đủ và xịn hơn miễn phí. Điều đó là hiển nhiên, tuy nhiên đối với theme miễn phí, vẫn cung cấp đầy đủ các tính năng cần của một website bán hàng. Việc lựa chọn miễn phí hay trả phí còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của người dùng.
Ngoài ra người dùng còn có suy nghĩ là những theme trả phí thường sẽ rất “xịn xò” và sẽ thu hút được người mua hàng hơn. Nhưng thực tế thì việc thu hút người mua hàng không phụ thuộc vào theme có xịn hay không mà còn dựa vào các yếu tố khác nữa như: thị hiếu của người dùng, mối quan hệ, thái độ chăm sóc khách hàng, nhu cầu khách hàng,… Vì thế để trang web thu hút người dùng hơn, ngoài đầu tư một giao diện đẹp, bạn còn cần phải đầu tư thêm nhiều kỹ năng khác nữa.
Shopify chỉ góp một phần nhỏ trong quá trình thành công của một website bán hàng bằng cách cung cấp các themes từ basic đến cao cấp, và mức độ của ác themes không quyết định sự thành công mà chỉ là điều kiện cần.
Thông thường, khi bạn bỏ tiền ra mua một thứ gì đó thì bạn sẽ đầu tư và chăm chút nó hơn là được sử dụng miễn phí. Thì themes cũng vậy, khi người dùng bỏ chi phí ra để đầu tư vào một theme nào đó thì họ sẽ bỏ nhiều tâm huyết hơn và có khả năng thành công cao hơn.
Hiện tại, giá để mua một theme sẽ dao động từ 50 – 60$, với mức giá này bạn có thể cân nhắc để đầu tư vào website của mình. Nếu chỉ muốn trải nghiệm hoặc để tiết kiệm chi phí, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các themes miễn phí, hiện nay Shopify đang cung cấp cho người dùng 10 themes miễn phí để trải nghiệm và xây dựng website.
Thiết kế Mobile Friendly và các yếu tố chuẩn SEO
Để kinh doanh thành công bằng hình thức online thông qua website, điều tiên quyết là website của bạn phải tiếp cận gần với người dùng. Cách tiếp cận người dùng phổ biến hiện nay là tần suất xuất hiện trên các thông tin truyền thông, mạng xã hội, trong các kết quả tìm kiếm của trình duyệt như Google, Coccoc,… Khi tiếp cận nhiều người dùng hơn thì lượng khách hàng tiềm năng sẽ tăng lên.
Do Shopify là nền tảng thương mại điện tử, do đó nó được định hướng tối ưu hóa cho SEO. Giúp trang web có thể nâng thứ hạng tìm kiếm của mình dựa vào các tiêu chí theo chuẩn SEO. Người dùng có thể tìm kiếm trang web của bạn một cách rất dễ dàng.
- Thẻ Meta: Homepage Title, Meta Description, ALT Text
- Thẻ Heading, URL friendly, 404
- Tốc độ cao với công nghệ CDN
- Khai báo sitemap XML với Google Search Console
Một điều quan trọng nữa là hầu hết các mẫu website trên Shopify đều hỗ trợ tiêu chí Mobile Friendly, tức là “Mức độ thân thiện với người sử dụng thiết bị di động”. Tiêu chí này hết sức quan trọng bởi hiện nay đa phần người dùng đều thao tác mọi thứ thông qua thiết bị di động đặc biệt là quyết định mua hàng.
Tích hợp các giải pháp thương mại điện tử và bán hàng đa kênh
Nhờ vào việc tích hợp các tính năng liên quan đến thương mại điện tử từ hosting, thanh toán, đẩy dịch vụ, truyền thông, quản lý, … đến bán hàng đa kênh, marketing,… tất cả đều được gói gọn vào Shopify giúp cho nó ngày càng nổi tiếng trên trường quốc tế.
Nhờ đó mà người dùng có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí, thời gian và resource cho quá trình phát triển website. Bạn chỉ cần sử dụng Shopify, nó sẽ cung cấp cho bạn tất cả những gì bạn cần.
Đối với trường hợp bán hàng đa kênh hay còn gọi là Multi-channel, Shopify sẽ cung cấp cho bạn các tính năng tốt nhất để có thể quản lý các kênh bán hàng. Bạn không cần mất nhiều nhân lực để quản lý nhiều kênh khác nhau. Thay vào đó bạn chỉ cần tốn một người để quản lý tất cả các kênh bán hàng nhờ vào Shopify. Điều này giúp dễ quản lý, đồng nhất cách quản lý giữa các kênh đồng thời tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Các kênh bán hàng phổ biến có thể kết nối với Shopify:
- Facebook Shop: Facebook hiện nay có tính năng cửa hàng, tại đây khi khách hàng mua và thanh toán sẽ điều hướng đến Shopify để tiến hành thanh toán.
- Messenger: Tại đây, sản phẩm của bạn sẽ được gợi ý để khách hàng có thể nhắn tin đến website của bạn.
- Instagram: Gắn thẻ sản phẩm và thanh toán ngay trên Instagram. Tính năng này chưa được áp dụng ở thị trường Việt Nam.
- Google: Sản phẩm của bạn được đồng bộ lên Google Merchant Center nhằm mục đích quảng cáo sản phẩm tại Google Smart Shopping
- Tại cửa hàng (POS): Ngoài bán online, bạn còn có thể bán hàng tại cửa hạn nhờ vào POS của Shopify. Nó giúp người bán đồng bộ được đơn hàng, thông tin khách hàng, doanh số, …
- Amazon, eBay, Etsy: Shopify còn hỗ trợ tích hợp các kênh bán hàng quốc tế.
Lịch sử đơn hàng của các kênh bán hàng đều được lưu tại hệ thống admin của Shopify một cách realtime (thời gian thực), giúp cho bạn có thể dễ dàng quản lý đơn hàng, xử lý nhanh các vấn đề xảy ra.
Dễ dàng triển khai digital marketing
Nhờ vào Shopify, việc truyền thông, quảng cáo cho website bán hàng của bạn không còn là vấn đề khiến bạn loay hay và tốn khoản chi khổng lồ nữa. Nó giúp cho việc quảng bá sản phẩm của bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Bạn có thể sử dụng các chiến dịch marketing cho website như sau:
- Email Marketing: Bạn có thể mời chào khách hàng thông qua việc gửi mail tự động về các chương trình ưu đãi, giảm giá, quà tặng, … Shopify sẽ giúp bạn làm điều này. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các nền tảng gửi mail tự động khác như Mailchimp, Ultramailer, Zetamail,…
- Facebook Dynamic Retargeting: Thực hiện tiếp thị lại hoặc quảng cáo đến các tập khách hàng tiềm năng hoặc các khách hàng đã truy cập trang web bằng các kết nối trực tiếp với Facebook Pixel.
- Google Smart Shopping: Bằng cách kết nối với tài khoản Google Shopping, trang web của bạn sẽ tự động hiển thị quảng cáo trên các trình duyệt khi khách hàng search từ khóa có liên quan đến sản phẩm của bạn.
- Tik Tok Ads: Tik Tok là một trong các mạng xã hội có số lượng người dùng đông đảo nhất hiện nay, do đó Shopify đã nhanh chóng hợp tác với mạng xã hội này vào tháng 11/2020. Bằng cách kết nối với tài khoản của Tik Tok bạn có thể tạo chiến dịch và tạo các video quảng cáo ngay trên hệ thống của Shopify
Kho ứng dụng khổng lồ
Công nghệ ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc nhu cầu người dùng ngày càng tăng cao. Để trang web của bạn luôn đảm bảo thân thiện và kịp thời đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, bạn có thể sử dụng Shopify App Store, tại đây Shopify cung cấp hơn 5000 ứng dụng và các ứng dụng sẽ luôn update thường xuyên để phù hợp với thị trường.
Các tính năng mà Shopify hỗ trợ phổ biến hiện này mà hầu hết các website bán hàng online đều dùng như: Mua hàng tích điểm, khôi phục giỏ hàng, live chat và hơn thế nữa.
Hiện nay Shopify có rất nhiều ứng dụng nổi tiếng được xây dựng, có thể kể đến như: Recart, Kit, OptiMonk, SEO Manager, …Các ứng dụng này nổi tiếng với doanh thu cao và được xây dựng bởi những công ty có tên tuổi trên thế giới.
Tích hợp công nghệ lưu trữ đám mây (Cloud Services)
Điện toán đám mây đã không còn xa lạ với các nền tảng công nghệ, có thể nói nó đã trở thành tiêu chuẩn chung cho mọi nền tảng, tất nhiên Shopify cũng tích hợp công nghệ này. Bằng việc sử dụng lưu trữ đám mây của Google giúp cho hệ thống được lưu trữ một cách an toàn và trọn vẹn.
Nhờ đó, khi sử dụng Shopify bạn không cần lo lắng về vấn đề băng thông sẽ hết dung lượng, hay phải trả rất nhiều chi phí để bổ sung dung lượng lưu trữ cho website. Hãy tưởng tượng, khi không sử dụng Shopify, bạn phải lưu trữ dưới dạng băng thông có dung lượng nhất định, càng ngày tính năng sẽ càng tăng đồng nghĩa với lượng lưu trữ sẽ tăng và chi phí bỏ ra để mua dung lượng là không hề nhỏ. Do đó việc sử dụng Shopify cho website là lựa chọn rất khả thi.
Tích hợp công nghệ CDN
Khi một trang web với một layout đẹp mắt và trông có vẻ chuyên nghiệp, nhưng khi click tính năng bất kỳ thì tốc độ tải trang quá chậm sẽ khiến cho khách hàng mất thiện cảm và khả năng cao là sẽ thoát khỏi trang web ngay lập tức. Điều này chứng tỏ performance của một trang web rất quan trọng, hay có thể hiểu là một trong các yếu tố quyết định cho sự thành công của trang web. Nó ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của nhà kinh doanh.
Để quản lý được hiệu suất tải trang, cũng như khắc phục được tình trạng tải chậm. Shopify đã sử dụng công nghệ CDN (Content Delivery Network) kết hợp với server ở khắp nơi trên thế giới. Với hệ thống khổng lồ này, Shopify đảm bảo tốc độ tải của trang web luôn trong tình trạng ổn định tại bất kỳ vị trí địa lý nào.
Vào những ngày sale lớn hay nhưng thời điểm thích hợp như lễ, tết, … lượng traffic là rất lớn dẫn đến quá tải, và khả năng sập server là rất cao. Vì trong quá trình sản phẩm bạn không thể lường trước được performance tối đa cho trang web là bao nhiêu hoặc đo được nhưng không thể nào khắc phục được. Đừng lo, với Shopify thì dù lượng truy cập vào trang web của bạn có lên đến hàng chục hay hàng trăm nghìn thì trang web của bạn vẫn đảm bảo mượt mà.
Tích hợp chứng chỉ bảo mật SSL & PCI Compliant
Không một khách hàng nào có đủ can đảm để nhập thông tin cá nhân đặc biệt là thông tin về các tài khoản ngân hàng cho các website không đảm bảo tính an toàn. Hiện nay người dùng rất cẩn trọng với thông tin cá nhân của mình, vì có rất nhiều hành vi lừa đảo chuyên nghiệp, thường là lấy thông tin cá nhân từ các trang web không chính thống.
Để tăng mức độ tin tưởng cho người dùng, Shopify đã hợp tác với tổ chức Let’s Encrypt để cung cấp chứng chỉ bảo mật SSL cho toàn bộ các website của Shopify. Khi trang web được cấp SSL, tại URL bạn có thể thấy icon ổ khóa sẽ được hiển thị ở dạng màu xanh lá.
Không những thế, Shopify còn đạt chuẩn PCI Complaint (Tiêu chuẩn thẻ thanh toán), chứng chỉ này dành riêng cho các công ty có tính năng thanh toán thông qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Nhờ vào quy chuẩn này mà các thông tin thẻ của khách hàng luôn đảm bảo trong tình trạng bảo mật an toàn. Tạo cảm giác yên tâm khi khách hàng nhập thông tin, góp phần tạo thiện cảm với trang web và có khả năng sử dụng lâu dài,
Không những thông tin về thẻ tín dụng mà các thông tin cá nhân, thông tin đơn hàng hay các giao dịch đều được bảo mật tuyệt đối.
Đội ngũ hỗ trợ trực tuyến 24/7
Bằng việc tích hợp Live chat, Email hay Hotline với tập thể chăm sóc khách hàng đông đảo, luôn đảm bảo hỗ trợ khách hàng mọi lúc. Tránh tình trạng bỏ sót các khiếu nại hay trợ giúp từ khách hàng dẫn đến tình trạng đánh giá thấp cho trang web.
Tùy vào thời điểm và tùy vào lượng khách hàng truy cập trang web mà thời gian hỗ trợ khách hàng có thể khác nhau. Đa phần sẽ rơi vào khoảng thời gian từ 1-3 phút hoặc có thể là ngay lập tức, tóm lại là sẽ không để bạn phải chờ quá lâu hoặc không được hỗ trợ.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà hỗ trợ của Shopify sẽ giao tiếp bằng Tiếng Anh nến có thể sẽ gây bất tiện cho những khách hàng không biết ngoại ngữ. Nhưng bạn vẫn có thể sử dụng Google Translate để hỗ trợ bạn trong vấn đề giao tiếp.
Khả năng nội địa hóa (Localization) cao
Do là nền tảng được sử dụng rộng rãi trên thị trường quốc tế, nên bắt buộc Shopify phải đáp ứng nhu cầu cho từng thị trường khác nhau phù hợp với mỗi quốc gia.
Để đáp ứng nhu cầu này, Shopify đã tích hợp với những đơn vị cung cấp giải pháp giúp tối ưu hóa thị trường nội địa của từng quốc gia tương ứng:
Sau đây là các giải pháp mà Shopify đã kết nối để nội địa hóa tại Việt Nam:
- Thanh toán đơn hàng: Đang tích hợp các giải pháp thanh toán với VTC Pay, OnePAy, AlePay và có cả mua hàng trả góp.
- Vận chuyển: Tích hợp với các đơn vị vận chuyển như NinjaVan, DHL, Mr Speedy
- Kênh bán hàng: Tích hợp các kênh bán hàng phổ biến như Shopee, KiotViet nhờ vào ứng dụng Omisell
Hiện nay có rất nhiều ví điện tử đang phát triển và đứng đầu thị trường Việt Nam như MoMo, ZaloPay, VNPay cũng như các đơn vị vận chuyển nổi bật là: GHTK, Giao hàng nhanh,… Shopify cũng đang có kế hoạch tích hợp các giải pháp này. Trong tương lai gần Shopify sẽ tích hợp xong các giải pháp trên để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dùng cũng như nội địa hóa tại Việt Nam.
Nhược điểm của Shopify là gì?
Ngoài các ưu điểm nổi bật đã nêu trên, thì Shopify cũng có các nhược điểm khiến người dùng cần phải cân nhắc khi sử dụng:
- Quá tải trong dịch vụ hỗ trợ khách hàng
- Còn nhiều tính năng cần cải thiện
- Phí giao dịch tương đối cao
Quá tải trong dịch vụ hỗ trợ khách hàng.
Như chúng ta đã đề cập ở phần ưu điểm thì Shopify có khả năng hỗ trợ khách hàng rất nhanh và xuyên suốt 24/7. Tuy nhiên, với số lượng khách hàng mua hàng online ngày càng tăng cao, có thể thấy hiện nay đã phần người dùng có xu hướng mua hàng online thông qua các website bán hàng online nhiều hơn lượng người mua sắm offline truyền thống. Đội ngũ hỗ trợ khách hàng của Shopify không thể nào tăng kịp với số lượng khách hàng, do đó dẫn đến tình trạng quá tải cho bộ phận chăm sóc khách hàng.
Nếu như trước đây thời gian trung bình để chờ hỗ trợ là 3-5 phút, thì hiện tại thời gian này có thể hơn 30 phút hoặc không được hỗ trợ. Vấn đề này gây tổn thất không nhỏ đối với doanh nghiệp và cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp phải cần nhắc khi sử dụng Shopify với đội ngũ hỗ trợ có hạn.
Còn nhiều tính năng cần cải thiện
Dù shopify đã hỗ trợ hầu hết các tính năng cần có cho một trang web, tuy nhiên điều này sẽ khiến cho các trang web trở nên tương tự nhau do sử dụng cùng template, không thể hiện được nét riêng của mình từ đó không gây được ấn tượng cho khách hàng.
Tuy nhiên, nhờ vào khả năng tùy biến của Shopify mà trang web của bạn dù có lượng truy cập nhiều hay ít đều có hướng giải quyết riêng.
Nhờ vào các tài liệu API mà Shopify cung cấp, cho phép bạn tích hợp với hệ thống của bên thứ ba một cách dễ dàng. Bạn hoàn toàn có thể tích hợp với các phần mềm của bên thứ ba, hay các hệ thống quản lý nội bộ thường thấy của doanh nghiệp như ERP, CRM
Tại Shopify Experts bạn có thể tìm kiếm các chuyên gia với đầy đủ các lĩnh vực như Graphic Design, Digital Marketing, lập trình API,… giúp bạn học hỏi thêm rất nhiều kiến thức bổ ích từ những chuyên gia này.
Phí giao dịch tương đối cao
Tùy thuộc vào từng gói dịch vụ mà Shopify sẽ thu phí giao dịch khác nhau, khi bạn sử dụng Shopping cart bạn sẽ mất một mức phí nhất định dao động từ 0,5% – 2,0%, với mức phí dịch vụ như thế này dù đã giảm tối đa thì vẫn ở mức khá cao.
Tuy nhiên, để khách hàng không phải lăng tăng về mức phí mình phải chịu cũng như tăng tính minh bạch thì Shopify đã cung cấp bảng chi phí để khách hàng tham khảo trước khi quyết định sử dụng dịch vụ.
Bảng phí gói dịch vụ của Shopify như sau:
- Basic: 29$/tháng, gói này dành cho những đối tượng kinh doanh nhỏ mới bắt đầu, có doanh thu thấp
- Shopify: 79$/tháng, dành các đối tượng đang trong quá trình phát triển kinh doanh, thu nhập khá.
- Advance: 299$/tháng, dành cho các đối tượng có tốc độ tăng trưởng cao, lượng khách hàng đông đảo và có báo cáo chuyên nghiệp
- Shopify Plus: từ 2000$/tháng, dành cho tập khách hàng Enterprise, đây là gói dịch vụ cao cấp nhất của Shopify.
Ngoài việc sử dụng các gói dịch vụ của Shopify bạn còn có thể sử dụng thêm các ứng dụng có trả phí từ các đối tác của Shopify App Store. Tại đây bạn có thể mua thêm bất kỳ ứng dụng nào mà không giới hạn bởi gói dịch vụ của Shopify. Khi bạn mua thêm dịch vụ tại Shopify App Store, số tiền thanh toán sẽ được cộng vào hóa đơn thanh toán hàng tháng tại Shopify.
Các tính năng chính luôn có tại các gói dịch vụ của Shopify là: Quản lý sản phẩm, Xử lý đơn hàng, tính năng giỏ hàng, thanh toán đơn hàng, truyền thông, …
Ngoài phí dịch vụ, bạn còn phải chi thêm khoản phí khi thực hiện thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, khoản phí này được gọi là phí giao dịch (transaction fees). Tùy vào giá trị đơn hàng mà bạn phải chi trả mức phí giao dịch tương ứng và tùy thuộc vào các gói dịch vụ như: Gói Basic là 2%, gói Shopify là 1%, gói Advance là 0,5% và gói Shopify Plus là 0.15%. Lưu ý là phí giao dịch chỉ áp dụng với các đơn hàng thanh toán bằng hình thức thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, không áp dụng cho các hình thức thanh toán khác.n fees.
Có thể thấy, khi sử dụng Shopify, bạn sẽ có thể tốn 3 loại phí là Gói dịch vụ của Shopify, phí sử dụng Shopify App nếu có và Phí Giao dịch (Transaction fees) khi thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc tín dụng. Với các mức phí phải trả hằng tháng thì số tiền bạn bỏ ra cũng không hề nhỏ.
Kiếm tiền online với Shopify như thế nào?
- Dạy học trực tuyến.
- Bán các tác phẩm nghệ thuật.
- Bán sách vở.
- Kinh doanh đồ handmade.
Nên bán gì trên Shopify?
Với Shopify, bạn có thể kinh doanh hầu như tất cả các lĩnh vực. Sau đây là một số sản phẩm hot mà bạn có thể kinh doanh trên Shopify như:
- Quần áo, Giày dép.
- Mỹ phẩm, trang điểm.
- Phụ kiện, trang sức.
- Vàng bạc, đá quý.
- Linh kiện điện tử.
- Đồ gia dụng, nội thất.
- Sách vở, truyện tranh.
- Đồ dùng học tập.
- Dụng cụ câu cá, mồi câu.
- Thực phẩm chức năng.
Ngoài các sản phẩm hữu hình, bạn còn có thể kinh doanh các thể loại như các dịch vụ chăm sóc cơ thể, voucher, khóa học tiếng anh,…
Những kinh nghiệm bán hàng trên Shopify
Không phải chỉ đầu từ vào UI/ UX cho trang web hay sử dụng những themes cao cấp mà sẽ kinh doanh thành công, sau đây là các lưu ý hỗ trợ bạn để có thể thành công trong kinh doanh:
Nghiên cứu sản phẩm
Để bắt đầu kinh doanh một sản phẩm nào đó, trước hết bạn cần là:
- Hiểu rõ về bản chất của sản phẩm là gì, các tính năng cũng như sản phẩm sẽ mang đến cho khách hàng những lợi ích gì…
- Khách hàng mà bạn muốn hướng đến thuộc tầng lớp gì, thị hiếu của khách hàng là gì, họ cần sản phẩm để làm gì, phân lớp đối tượng như thế nào…
Tìm hiểu về các doanh nghiệp đã kinh doanh sản phẩm tương tự mình, tìm hiểu về ưu điểm lẫn nhược điểm của họ để biết được cần tránh điểm nào và phát huy điểm nào. Để phân khúc thị trường cũng như tìm các keyword phù hợp cho trang web bạn có thể sử dụng công cụ Google Keyword Planner, nó sẽ hỗ trợ bạn thực hiện các công việc trên.
Hãy đặt ra thật nhiều câu hỏi và cố gắng tìm câu trả lời thỏa đáng, bạn sẽ vạch ra được những chiến lược marketing một cách hiệu quả.
Xây dựng thương hiệu
Đối với thương hiệu, bạn cần cá nhân hóa cho trang web của mình, tránh tình trạng mười trang web như một sẽ không tạo ấn tượng cho khách hàng. Bạn cần tích cực xây dựng hình ảnh thương hiệu từ layout, sản phẩm cho đến cách quảng cáo thương hiệu.
Khi xuất hiện trên các mạng xã hội, đồi hỏi trang web của bạn phải có liên kết một cách chặt chẽ, có sự nhất quán dù ở bất kỳ mạng xã hội nào. Điều này khiến khách hàng dễ dàng nhận ra đây là sản phẩm của bạn và họ có thể ghi nhớ chúng.
Đó là cách tốt nhất để khách hàng có ấn tượng với website của bạn đồng thời tăng khả năng truy cập trang web.
Tăng mức độ uy tín
Đối với một website bán hàng, bạn cần đầu tư UI/UX vào các trang chính như: Trang chủ, trang chứa danh sách sản phẩm, trang chi tiết sản phẩm, trang thanh toán sản phẩm. Nếu như những trang này có được xây dựng đẹp mắt, rõ ràng và chuyên nghiệp sẽ giúp khách hàng tin tưởng hơn những trang web có bề ngoài sơ sài ít được đầu tư. Đầu tư ở đây không hẳn là các bạn phải sử dụng các themes đắt tiền mà là những component tại các trang phải được bố trí đẹp mắt và hợp lý, chỉnh chu và chau chuốt từng thành phần trên trang.
Các sản phẩm mà bạn kinh doanh cũng cần đảm bảo về chất lượng và độ an toàn. Ví dụ đối với mỹ phẩm hay đồ điện tử cần phải có giấy chứng nhận, có xuất xứ rõ ràng, có mô tả sản phẩm cụ thể,… Ngoài ra bạn cần hỗ trợ thêm các Chính sách đổi trả, các Điều khoản và Điều kiện để tăng mức độ tin cậy của khách hàng hơn khi mua sản phẩm của bạn.
Tích hợp các phương thức thanh toán phổ biến
Hiện nay có rất nhiều phương thức thanh toán trên các website thương mại điện tử do nhu cầu thanh toán đa phương thức của khách hàng tăng cao, đặc biệt là sử dụng các ví điện tử hay Thẻ tín dụng/ thẻ ghi nợ. Khách hàng càng ít sử dụng tiền mặt hơn đòi hỏi website của bạn cũng cần tích hợp các phương thức thanh toán khác nhau để bắt kịp thị trường thương mại điện tử. Bạn có thể sử dụng Paypal Pro checkout để tích hợp phương thức Thanh toán bằng thẻ Visa/ Credit, chỉ cần đăng ký tài khoản Business là bạn có thể tích hợp được phương thức này.
Đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo
Thông thường những khách hàng đã truy cập vào trang web sẽ được lưu lại thông tin truy cập vào một tập khách hàng nào đó để có thể chạy quảng cáo. Và những đối tượng này là mục tiêu của Retarget Facebook Ads, nó sẽ đẩy quảng cáo cho các đối tượng đã từng truy cập website của bạn. Ứng dụng này sẽ được áp dụng cho các đối tượng thoát ngay khi truy cập trang web.
Trong trường hợp khách hàng đã nhập thông tin để chuẩn bị thanh toán hay đã bỏ sản phẩm vào giỏ hàng, chưa hoàn tất quá trình thanh toán thì Abandoned Cart sẽ giúp bạn đẩy Email nhắc khách hàng nhanh chóng hoàn thành đơn hàng. Để khách hàng có hứng thú quay lại, trong Email thường sẽ kèm theo những ưu đãi hay giảm giá cho khách hàng, thúc đẩy họ tiến hành các giai đoạn tiếp theo của đơn hàng.
Còn những khách hàng đã mua sản phẩm rồi thì sao? Receiptful sẽ giúp bạn giữ chân khách hàng, nhắc họ quay lại website của bạn, hoặc gợi ý khuyến khích khách hàng mua những sản phẩm khác.
Đến với Shopify, việc đẩy quảng cáo cho Website của bạn không chỉ dừng ở đó mà còn hơn thế nữa. Bạn không cần lo lắng vấn đề quảng cáo, Shopify sẽ thay bạn làm điều này.
Tối ưu SEO
Hầu hết các website cần phải tối ưu hóa theo chuẩn SEO bao gồm các keywords, các labels, tags, … để đảm bảo nâng cao thứ hạng tìm kiếm của trang web.
Cần chú trọng ưu tiên UI/ UX trên nền tảng mobile với responsive và các hệ điều hành khác nhau, để đảm bảo mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng vì phần đông khách hàng hiện nay đều thực hiện shopping qua điện thoại di động.
Hướng dẫn sử dụng Shopify
Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng những thứ sau đây để có thể bắt đầu sử dụng Shopify một cách dễ dàng:
- Logo: Để tạo nên thương hiệu riêng cho website, trước hết bạn cần thiết kế một logo ấn tượng và phù hợp với website của bạn. Đồng thời nó cần phải có chất lượng cao về độ phân giải.
- Tên thương hiệu: Bạn cần chuẩn bị một cái tên cho website của bạn để ghi dấu thương hiệu.
- Tên miền (domain): Cần chuẩn bị sẵn tên miền trước khi bắt đầu sử dụng Shopify để tránh mất thời gian. Hiện nay có một số nhà cung cấp tên miền miễn phí mà bạn có thể tham khảo như: Monmedia, Tino Host, Z.com, Namesilo, BigRock.in, …
- Bài viết: Chuẩn bị sẵn những content về giới thiệu công ty, về thông tin sản phẩm mà bạn kinh doanh, các chứng chỉ và chứng nhận hay các điều khoản và điều kiện,… Để có thời gian chau chuốt từng câu chữ.
- Tài khoản mạng xã hội: Lập sẵn những page riêng trên mạng xã hội cho website của bạn. Để khi sử dụng Shopify bạn cần phải liên kết website với mạng xã hội để đẩy mạnh quảng cáo. Các mạng xã hội phổ biến bạn có thể liên kết như: Facebook, Instagram, Tik Tok, …
- Thông tin, hình ảnh sản phẩm: Chuẩn bị sẵn các thông tin về sản phẩm như: File Hình ảnh, giá cả, tiêu đề, mô tả, … Sắp xếp sẵn các sản phẩm theo danh mục phù hợp. Hình ảnh sản phẩm phải có chất lượng cao và đồng nhất về kích thước.
Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng các thông tin cần thiết, để sử dụng được Shopify bạn cần thực hiện các thao tác cơ bản sau đây:
- Đăng ký tài khoản Shopify.
- Đăng ký tên miền.
- Cấu hình tên miền cho shop.
- Chỉnh sửa thông tin cho shop.
- Cài đặt giao diện, logo, slideshow.
- Cài đặt ngôn ngữ.
- Cài đặt và chỉnh sửa menu.
- Đăng sản phẩm.
- Thanh toán, giao hàng.
- Một số cài đặt cơ bản khác.
Sau đây là chi tiết về các thao tác, mời các bạn tham khảo:
Đăng ký tài khoản Shopify
- Bước 1: Đầu tiên bạn truy cập vào trang web của Shopify: https://www.shopify.net.vn/ -> Chọn gói dùng thử miễn phí trong 14 ngày -> Click nút “Start free trial”
- Bước 2: Tiếp đến bạn nhập các thông tin tài khoản như: Email, mật khẩu, tên Website -> Click “Create your store”
- Bước 3: Sau đó bạn khai báo các thông tin cần thiết theo yêu cầu của hệ thống, tick vào các ô vuông để nhận hỗ trợ từ Shopify. Lưu ý: Bỏ qua ô vuông cuối nếu bạn không phải developer hay designer
- Bước 4: Điền các thông tin cá nhân của bạn -> Click “Enter my Store”
Sau các bước trên bạn đã có thể tạo ra một trang web cho riêng mình.
Đăng ký tên miền
Bước 1: Đăng ký tên miền nhằm mục đích để khách hàng có thể tìm đến trang web của bạn một cách dễ hàng khi họ có như cầu. Việc này khá đơn giản, bạn chỉ cần chọn “Online Store” ở trang admin -> Chọn “Domains” -> Chọn “Buy New Domain”.
Bước 2: Tiếp đến bạn điền tên miền đã chuẩn bị sẵn và chọn đuôi mở rộng -> Click “Check Availability” để kiểm tra xem tên miền này có available hay không. Shopify cung cấp giá tên miền dao động từ $11 trở lên, nếu tên miền của bạn đang available thì bạn có thể đăng ký và thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Bước 3: Cuối cùng bạn nhấn “Buy Domain” để mua domain, sau khi mua bạn vào email để xác thực. -> chọn “Domains” tại “Online Store” -> Chọn tên miền chính tại Set your primary domain -> tick vào “Redirect all traffic to this domain” -> Nhấn “Save”
Vậy là bạn đã đăng ký được tên miền cho shop.
Cấu hình tên miền cho shop
Nếu bạn đã sở hữu một tên miền trước đó từ nhà cung cấp khác thì tại Online Store -> Chọn “Domains” và “Connect existing domain” -> Thêm tên miền của bạn.
Để có thể kết nối tên miền của bạn với Shopify, bạn cần cập nhật lại DNS. Bạn có thể chọn “View instruction” để xem hướng dẫn.
Chỉnh sửa thông tin shop
Bạn vào mục Setting -> Chọn “General” -> Thực hiện chỉnh sửa các thông tin cần thiết -> Lưu thông tin chỉnh sửa.
Thiết kế giao diện, logo, slideshow
Để chỉnh sửa lại giao diện, tại Online Store -> Chọn “Themes” -> Chọn “Explore free themes” -> Chọn giao diện phù hợp với sản phẩm.
Để xem trước website bạn click Xem thử để kiểm tra theme, click “Add to theme library” để tải theme mà bạn muốn. Nếu muốn chọn theme khác thì click “Back” để trở về và tiếp tục lựa chọn.
Sau khi tải về, để có thể chỉnh sửa chúng bạn chọn “Customize” và chọn cột bên trái. Lúc này bạn có thể chỉnh sửa hình ảnh, logo, màu sắc, font, size, … những UI mà bạn muốn.
Sau khi chỉnh sửa xong bạn click “Action” và chọn “Publish” để có thể sử dụng theme đã tải.
Để xem trước trang web của mình sau khi cài đặt xong, bạn chọn “View your store” tại tab Theme.
Cài đặt ngôn ngữ
Ngôn ngữ được cài đặt mặc định cho website là Tiếng Anh, vì thế nếu muốn sử dụng ngôn ngữ khác bao gồm Tiếng Việt. Bạn cần chọn Action -> Edit language -> Chỉnh sửa ngôn ngữ bạn mong muốn -> Lưu lại. Lúc này toàn bộ trang web của bạn sẽ được hỗ trợ chuyển sang ngôn ngữ mà bạn đã chọn.
Cài đặt và chỉnh sửa menu
Đầu tiên, bạn chọn “Navigation” tại Online Store để cài đặt điều hướng -> Chọn “URL Redirects” để có thể điều hướng hoặc muốn thêm link điều hướng, bạn chọn “Create URL Redirects” -> Nhấn “Save Redirect” để lưu lại.
Để chỉnh sửa Menu, bạn chọn “Add menu” để tạo thanh menu -> Tại mục title thêm tên menu -> Chọn “Add menu item” để thêm các nút -> Chèn các link điều hướng cụ thể -> Điền tên nút.
Đăng sản phẩm
Để thêm sản phẩm cần bán, bạn chọn vào “Tab Products”, tại đây bạn có hai cách để có đăng sản phẩm:
- Cách 1: Chọn “Import” để tải lên file CSV, sau đó bạn download các mẫu file và điền thông tin cần thiết theo mẫu.
- Cách 2: Chọn “Add Product” sau đó thêm từng sản phẩm và điền các thông tin thủ công theo ý muốn như: Hình ảnh, giá bán, mô tả, … Sau đó lưu lại.
Thanh toán và giao hàng
Để thực hiện cài đặt thanh toán, tại mục Setting -> Chọn “Payment Providers” -> Chọn “Active Paypal Express Checkout” -> Nhập Email Paypal của bạn. Để tiện cho hầu hết các khách hàng, chúng tôi khuyến khích bạn sử dụng phương thức thanh toán là Paypal.
Để cấu hình cho chức năng vận chuyển, tại mục Setting -> Chọn “Shipping”. Để chỉnh sửa chi phí cho từ khu vực hoặc kích thước hàng hóa khác nhau, cũng tại Setting -> Chọn “Manage rates” để cấu hình.
Một số cài đặt cơ bản khác
- Ngoài các thao tác cơ bản ở trên, phần Setting còn hỗ trợ cho bạn nhiều cài đặt khác nữa. Nhưng cần lưu ý khi muốn cài đặt còn phải phù hợp với đặc tính của sản phẩm, thương hiệu hay đối tượng khách hàng mà bạn muốn hướng đến để từ đó có những cấu hình cho website phù hợp.
- Để khách hàng có thể truy cập website mà không cần mật khẩu bạn có thể bỏ chọn ô “Enable password”.
- Ngoài ra bạn cũng đừng quên đẩy mạnh việc quảng cáo cho website tại Online Store Preferences, việc này rất quan trọng trong việc thúc đẩy doanh số của bạn.
Cách làm Dropshipping với Shopify
DropShipping được hiểu là bán hàng nhưng không vận chuyển, nó là sự kết hợp của Drop và Shipping.
Tại Shopify, DropShipping có thể làm đơn giản với 3 bước chính như sau:
Bước 1: Chọn sản phẩm
Điều cần chú ý là bạn nên tập trung lựa chọn các sản phẩm trong cùng một ngành hoặc những sản phẩm có liên quan với nhau. Tại đây, đòi hỏi bạn phải có kiến thức về sản phẩm mà bạn bán để có thể nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, đồng thời có đủ hiểu biết để tư vấn cho khách hàng.
Bước 2: Xây dựng website trên Shopify
Để xây dựng một website, bạn chỉ cần thực hiện các bước đã được hướng dẫn bên trên. Tuy nhiên, website cần được chia làm hai loại trang chính để chúng ta tập trung nội dung đúng trọng tâm, đúng chức năng, hai loại trang chính như sau:
- Trang chủ: Là những trang sẽ hiển thị thông tin sản phẩm.
- Trang tư vấn: Là những trang dùng để mô tả sản phẩm, tư vấn, chia sẽ kinh nghiệm, hỗ trợ và chăm sóc khách hàng.
Bước 3: Quảng bá thương hiệu
Cách tốt nhất hiện nay để tiếp cận gần hơn với khách hàng là chia sẽ bài viết về các thông tin liên quan đến sản phẩm của bạn lên các diễn đàn, các mạng xã hội,… tất cả các nơi mà có tập trung đông người tham gia để thu hút lượng khách hàng tiềm năng nhất định.
Nên duy trì việc cập nhật thông tin thường xuyên và mới nhất về sản phẩm, chăm chỉ đăng bài để khách hàng không bị lãng quên sản phẩm của mình. Tìm hiểu thêm nhiều nguồn hàng chất lượng với giá cả hợp lý hơn. Đồng thời mở rộng ngành hàng để website trở nên phong phú hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng hơn. Biết học hỏi, và tận dụng các kiến thức về SEO, marketing, sử dụng các công cụ digital marketing để tăng khả năng quảng bá sản phẩm.
Tổng kết về Shopify
Hy vọng bài viết này của BKHOST đã giúp bạn hiểu hơn về Shopify. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại ở phần bình luận bên dưới.
Bạn cũng có thể truy cập vào Blog của BKHOST để đọc thêm các bài viết kia sẻ kiến thức về quản trị website, domain, hosting, vps, server, email,… Chúc bạn thành công.