Hiện nay việc phát triển một dự án phần mềm, công nghệ thông tin có rất nhiều quy trình. Chúng giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoặc cải thiện chất lượng sản phẩm đầu ra.
Một trong những quy trình đang được áp dụng nhiều nhất hiện nay đó chính là CI/CD. Vậy bạn có biết ý nghĩa chính xác của cụm từ này? Quy trình CI/CD diễn ra như thế nào và có lợi ích ra sao?
Hãy cùng chúng tôi khám phá ngay trong bài viết này.
CI/CD là gì?
CI/CD là viết tắt của Continuous Integration (CI) và Continuous Delivery (CD). Có thể hiểu nó được kết hợp bởi quy trình Tích hợp liên tục và Phân phối liên tục. CI/CD giúp tạo ra sản phẩm cuối cùng nhanh chóng dựa trên kết hợp công việc của mỗi cá nhân.
Trong DevOps, CI/CD hợp lý hóa việc mã hóa, thử nghiệm và triển khai ứng dụng. Nó cung cấp một kho lưu trữ và các công cụ để kiểm tra code một cách nhất quán, đảm bảo chúng có thể hoạt động.
Quy trình phân phối CI/CD
CI/CD được kết hợp để tạo ra một quy trình DevOps linh hoạt, tập trung vào việc phân phối phần mềm thường xuyên và đáng tin cậy. Đây là một phương pháp lặp đi lặp lại, hỗ trợ DevOps viết mã, tích hợp, chạy thử nghiệm. Đồng thời qua đó cung cấp các bản triển khai những tính năng mới theo thời gian thực.
Đặc điểm của quy trình CI/CD chính là tự động hóa để đảm bảo chất lượng code. Khi có sự thay đổi trong phần mềm, test automation sẽ xác định các vấn đề khác trước đó, push code lên nhiều môi trường ứng dụng khác nhau để thử nghiệm. Qua đó có thể đánh giá, kiểm soát chất lượng, hiệu suất, khả năng sử dụng và bảo mật.
Nhờ có CI/CD mà các nhà phát triển có thể cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian và những chỉ số DevOps khác.
Lợi ích của quy trình CI/CD
Việc triển khai một cách tự động để nâng cao chất lượng sản phẩm luôn là ưu tiên của mỗi doanh nghiệp. Vậy lợi ích mà CI/CD mang tới liệu chỉ dừng lại ở đó? Cùng điểm qua một số ưu điểm của nó:
- Giảm thời gian triển khai phần mềm: thông qua kiểm thử tự động (test automation) giúp quá trình phát triển hiệu quả hơn. Đồng thời quy trình triển khai liên tục (CD) còn làm cho các tính năng mới thay đổi được chạy thử nhanh.
- Giảm chi phí so với phát triển phần mềm truyền thống. Khi tự động hóa quy trình phát triển, kiểm thử, triển khai làm giảm thời gian, tiết kiệm lượng chi phí cực lớn.
- Phản hồi liên tục để cải thiện: đây là một quy trình xây dựng, thử nghiệm và triển khai liên tục. Vậy nên sau khi kiểm tra code, nhà phát triển có thể nhanh chóng thực hiện cải thiện, nâng cấp chúng.
- Phát hiện lỗi nhanh hơn, xử lý sớm hơn: Trong CI, kiểm thử tự động hóa cho các phiên bản code và tìm ra lỗi. Qua đó dễ dàng tìm biện pháp sửa chữa, khắc phục.
- Cải thiện khả năng làm việc nhóm và tích hợp của hệ thống: Tất cả thành viên trong nhóm đều có thể thay đổi code và dễ dàng đưa ra phản hồi khi có lỗi xảy ra.
Cách thức hoạt động trong quy trình phân phối CI/CD
Để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của quy trình CI/CD, bạn cần biết rõ từng quá trình nhỏ bên trong. Vậy những quá trình này là gì và diễn ra như thế nào?
Tích hợp liên tục (CI)
Quá trình đầu tiên trong quy trình này chính là CI – Tích hợp liên tục (Continuous Integration). Ở đây, các lập trình viên (dev) có thể tự tạo các nhánh code của mình khi thực hiện. Khi làm việc, họ lưu trữ code trên Git (hoặc công cụ tương tự) sau đó tự do phát triển tính năng mới. Nếu có lỗi xuất hiện, có thể hoàn lại code về trạng thái trước đó của nó.
Mỗi công việc, tính năng sau khi hoàn thành được đẩy vào một hệ thống tự động xây dựng và kiểm thử những thay đổi của code. CI sẽ biên dịch các thay đổi đó và nhập vào nhánh chính.
Quy trình này cho phép các nhà phát triển thường xuyên gửi lên những thay đổi code và tính năng. Từ đó cung cấp các bản sửa lỗi nhanh, đảm bảo các chức năng được hoàn thành và cho ra sản phẩm chất lượng.
Phân phối liên tục (CD)
Bước tiếp theo trong quy trình này chính là Phân phối liên tục – CD (Continuous Delivery). Nó sẽ đưa những code mới đã được kiểm tra vào môi trường hoặc kho lưu trữ (ví dụ: GitHub). Một nhóm vận hành sẽ tiến hành triển khai chúng ở môi trường lý tưởng. Các chức năng và phần mềm sẽ được kiểm tra, giải quyết lỗi một cách tự động.
Cuối cùng, DevOps sẽ nhận được thông báo về bản mới nhất và gửi chúng cho giai đoạn triển khai. Mục tiêu của quy trình này là cho phép triển khai code tự động nhưng vẫn có sự giám sát của con người.
Triển khai liên tục (Continuous Deployment – CD)
Ngoài ra, chữ CD trong quy trình CI/CD còn có nghĩa là Continuous Deployment – triển khai liên tục. Quá trình này cho phép tự động phát hành các tính năng mới ở người dùng cuối sau khi code đã được kiểm tra. Các bài kiểm tra này có thể là kiểm tra tính toàn vẹn, kiểm tra tích hợp,…
So sánh giữa quy trình phân phối liên tục và triển khai liên tục
Giữa Phân phối liên tục và Triển khai liên tục thì nên chọn cái nào và có gì khác biệt? Thực tế, cả hai chỉ khác nhau ở mức độ tự động hóa ở các bản thay đổi.
Ở Phân phối liên tục, code được chuyển sang các môi trường thử nghiệm để đảm bảo chất lượng. Tất nhiên vẫn có sự tham gia của con người khi chuyển sang giai đoạn triển khai. Nó chậm hơn nhưng mang lại sự chắc chắn cho sản phẩm cuối cùng.
Còn ở Triển khai liên tục, quá trình này hoàn toàn tự động từ thử nghiệm tới triển khai. Nó không cần sự có mặt của con người và chỉ phù hợp cho các nhóm DevOps phát triển nhanh, đã ổn định. Từ đó thường xuyên cập nhật các phiên bản mới, triển khai tính năng một cách tự động.
Các giai đoạn trong quy trình CI/CD
Vòng đời phát triển và quy trình làm việc của CI/CD sẽ như sau:
- Build: xây dựng dựa trên mã nguồn và bổ sung tính năng mới. Tích hợp các code mới và xác định lỗi và xung đột có thể xảy ra.
- Test: kiểm tra sâu hơn tính và code mới đã thay đổi. Quá trình này diễn ra tự động trong Phân phối liên tục và Triển khai liên tục.
- Deliver: các code, tính năng đã được kiểm tra sẽ đưa vào môi trường thử nghiệm. Quá trình diễn ra tự động ở Triển khai liên tục và cũng sẽ là tự động ở Phân phối liên tục khi được chấp thuận từ con người.
- Deploy: các thay đổi, tính năng mới được triển khai ở sản phẩm cuối đến người dùng. Nó có thể diễn ra với sự phê duyệt từ con người hoặc tự động.
Công cụ trong CI/CD và cấu hình
Việc lựa chọn công cụ trong quy trình CI/CD cần tập trung vào khả năng tự động hóa và tối ưu hóa phát triển phần mềm. Nên sử dụng những công cụ mã nguồn mở cho quá trình test, thử nghiệm, triển khai. Quá trình cấu hình cũng ảnh hưởng tới sự thành công ở sản phẩm cuối.
Thông thường, công cụ mã nguồn mở CI/CD hay được sử dụng nhất chính là Jenkins. Nó là một máy chủ tự động viết bằng Java cho khả năng tự động hóa rất tốt. Ngoài ra còn có một số công cụ tích hợp như Travis CI và CircleCI.
Môi trường phát triển tích hợp tốt nhất hay được dùng là GitHub AWS CodeCommit. Ở môi trường điện toán đám mây, các nhà phát triển thường sử dụng Docker để đóng gói và Kubernetes để điều phối.
Tổng kết
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về quy trình CI/CD. Đây là một quá trình tự động hỗ trợ các nhà phát triển trong việc viết và xây dựng phần mềm. Qua đó đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Nếu còn gặp bất cứ vướng mắc gì về nội dung bài viết trên, hãy để lại ở bên bình luận bên dưới, BKHOST sẽ trả lời bạn trong thời gian sớm nhất.
P/s: Bạn cũng có thể truy cập vào Blog của BKHOST để đọc thêm các bài viết chia sẻ kiến thức về lập trình, quản trị mạng, website, domain, hosting, vps, server, email,… Chúc bạn thành công.